"Theo phong thuỷ thường sử dụng các dòng sông tự nhiên để phân chia sơn mạch, dòng sông lớn phân chia sơn mạch lớn, dòng nhỏ phân chia nhỏ.
Nếu chúng ta dùng hai dòng sông lớn Trường giang, và Mê công để phân ranh giới Sơn mạch thì toàn bộ Sơn mạch Việt nam, Lào, phần phía nam sông Hoàng Hà có tổ sơn từ Tây tạng.
Như chúng ta biết phần nóc nhà thế giớI gồm có 4 dãy núi có hình dáng giống như một cái dạ dày.
-Dãy thứ nhất là dãy Nam sơn được ngăn với dãy Côn luân bởi sông Hoàng Hà.
-Dãy thứ hai là Côn luân, được hai con sông lớn nhất của Trung quốc bao bọc, sông Hoàng hà và Trường giang. Là tổ sơn của vùng đồng bằng rộng lớn nhất của TQ.
-Dãy thứ 3 Ngăn bởi hai sông, Trường Giang và Mê công. Sơn mạch tổ của Việt nam, Lào và phần phía nam sông trường giang Trung quốc
-Dãy thứ 4 Chính là Bán đảo Trung Ấn ngăn cách bởi hai con sông Mê công và Xaluen.
-Dãy thứ 5 (E vơ rét), được ngăn bởi hai con sông Xaluen và Bramaput.
-Dãy thứ 6,Chính là đãy Hy ma lây a. Tổ của Bán đảo Ấn độ, được ngăn bởi 2 con sông Bramaput và sông Ấn
Như vậy nóc nhà thế giớI là tổ tông của nhiều sơn mạch chạy vào nhiều nước khác nhau, dãy 1 và bốn xuất hiện hai nền văn minh cổ rất lớn của nhân dân sinh sống ở lưu vực các con sông lớn , Hằng ,Hoàng hà. " ( NGUYÊN VŨ ) .
Theo các sách vở từ xưa thì Quảng ninh nằm lọt vào trong vòng cung Đông triều . Cánh cung Đông triều nơi toạ lạc của chùa Yên tử, nổi tiếng với dòng thiền Trúc lâm của Việt nam, có hình dáng giống như nan quạt là Đại cán long của một vùng rộng lớn đồng bằng Bắc bộ : Hải phòng, Hải dương, Hưng Yên, Thái bình.
Tuy nhiên , theo thiển ý của người viết ( Xem hình trên ) , ta thấy rằng , Quảng ninh nằm vào phần đuôi của Đại Long mạch xuất phát từ phía Tây Bắc - dãy núi Thiên Sơn gần biên giới Trung-Nga ở vùng Tân Cương. ( Lấy theo ý của Tubinh - gia gia ) , nhưng khi vào tới Trung quốc , Việt Nam , nó bắt đầu từ Phía Tây và mang hành Kim , sắc trắng ( 4, 9 ) . Chính vì vậy mà cái đuôi của nó được gọi là BẠCH LONG VĨ ( Đuôi con Rồng trắng ) . Các mỏ than tại vùng Đông triều - Quảng ninh , người ta coi đó là phần chứa phân của Rồng ( Long mạch ) . Riêng vịnh Hạ long , một Di sản Thiên nhiên của Thế giới , thực chất được sinh ra từ những dư khí của Long mạch này khi ra tới biển và trồi lên thành vô vàn hòn đảo lớn nhỏ . Như vậy , nhìn toàn thể vùng đất của Quảng ninh là một vùng không ổn định , nằm trên đuôi của Đại long mạch ( Đuôi Rồng ) . Người viết không có bản đồ Địa chất của khu vực này , nhưng tin chắc rằng toàn bộ khu vực này đang nằm trên những phay đất rất lớn gối lên nhau và đang có hiện tượng di chuyển tương đối giữa các phay đất .
HÌNH ẢNH CÁC MỎ THAN ( CHÍNH LÀ PHÂN CỦA RỒNG ) .
Trước khi vào trọng tâm bài viết , người viết muốn giới thiệu với các bạn một số phần giới thiệu về các Địa danh của Quảng ninh của Hương Soái trong Trái tim Việt nam online [Chỉ thành viên mới có thể nhìn thấy links. Bạn hãy nhấn vào đây để đăng ký...] mà theo người viết thấy rất hay .
Khu di tích Yên Tử
Khu di tích thắng cảnh Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hoà quyện với cảnh vật thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Ðỏ đến núi Yên Tử theo chiều cao dần thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích danh thắng (số 15VH/QÐ ngày 13/3/1974). Nằm trong cánh cung trùng điệp của khu đông bắc, đỉnh núi Yên Tử có chùa Ðồng ở độ cao 1.068m so với mặt ước biển. Từ xưa, núi rừng Yên Tử đã nổi tiếng là nơi ngoạn mục và được liệt vào danh sơn đất Việt. Ngay từ thời Lý, Yên Tử đã có chùa thờ Phật gọi là chùa Phù Vân và đạo sỹ Yên Kỳ Sinh đã tu hành đắc đạo ở đây. Nhưng Yên Tử thực sự trở thành trung tâm Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam đó là phái thiền phái Trúc Lâm và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh: Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308), ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Ðồng Kiên Cương (1284-1330) vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm. Trong 19 năm tu hành, ông đã soạn ra bộ sách "Thạch thất ngôn ngữ" và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị, trong đó có những chùa nổi tiếng như viện Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên ở Ðông Triều... ở trung tâm truyền giáo của Pháp Loa còn có Huyền Quang Lý Ðạo Tái (1254-1334) - vị tổ thứ 3 của phái Trúc Lâm. Sang đến thời Lê, Nguyễn, Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là kết tinh, sự hội tụ của nền văn hoá dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, thông, đại, trúc, mai mọc ở hai bên đường toả bóng mát làm cho du khách thập phương quên nỗi mệt nhọc đường dốc cheo leo. Lễ hội chính của Yên Tử diễn ra từ ngày 10 tháng riêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng xuân ấm áp.
Vịnh Hạ Long huyền thoại và khoa học
Vịnh Hạ Long bao gồm hơn 3.000 hòn đảo, lớn nhỏ khác nhau, nằm quần tụ trên một vịnh biển tạo nên một danh lam thắng cảnh hiếm có trên thế giới. Theo truyền thuyết, vịnh được hình thành do rồng từ trên trời hạ xuống nơi đây mà thời đó còn là vùng đất liền. Rồng bị mắc cạn, lấy đuôi đập mạnh để mong thoát thân ra biển. Đuôi rồng đập tới đâu thì đất nơi đó lún xuống và tạo thành các thung lũng bao lấy những mảnh đất còn lại mà ngày nay là những đảo đá vôi nằm nổi trên vịnh Hạ Long.
Đó là huyền thoại, truyền thuyết dân gian. Còn các nhà khoa học lại giải thích về nguồn gốc hình thành vịnh Hạ Long trên cơ sở những tư liệu khoa học sau: Trong nhiều hang động ngoài vịnh, ngành khảo cổ học đã tìm thấy nhiều xương trâu, bò, lợn rừng và nhiều vỏ nhuyễn thể nước ngọt như trai, sò, ốc, cá nước ngọt. Ví dụ như ở đảo đá sinh đôi, cách Hòn Gai 4km về phía Đông, người ta tìm thấy trong hang động đá này nhiều vỏ loài nhuyễn thể nước ngọt, nhiều mảnh xương động vật bị cháy và một rìu đá của người tiền sử.
Căn cứ những tư liệu khảo cổ nêu trên, các nhà khoa học cho hay, cách nay khoảng 60 đến 70 vạn năm, vùng vịnh Hạ Long còn là đất liền. Về sau, do hiện tượng sụt lún, nước biển tràn vào nên mới hình thành vịnh. Tất nhiên khi còn là đất liền, vùng vịnh phủ đầy rừng nhiệt đới ẩm ướt, có nhiều thú rừng, trong đó có trâu rừng, bò rừng, lợn rừng và nhiều loài thú khác như hươu, nai, sơn dương, khỉ...
Các nhà khoa học còn đưa ra nhiều dẫn chứng khác để chứng minh rằng vùng vịnh Hạ Long là một vùng sụt lún và hiện nay còn đang tiếp tục bị sụt lún: Thứ nhất do bị sụt lún nên đáy biển vùng vịnh rất nông và thường không sâu quá 2m. Bằng chứng thứ hai là các cửa sông trong vùng từ Móng Cái tới Hải Phòng đều có cửa sông rộng (do cửa sông bị lún chìm) và đều có dạng vịnh cửa sông. Riêng cửa sông Bạch Đằng có dạng vịnh cửa sông rõ nhất. Cửa sông ở đây có bến Phà Rừng rộng mênh mông tới vài cây số rộng tựa như một vịnh biển. Tuy nhiên, nếu ta đi ngược dòng sông Bạch Đằng cách cửa sông khoảng 20km ta thấy lòng sông hẹp lại chỉ còn rộng khoảng 0,2km. Các bãi sú vẹt ở cửa sông phát triển trên một chiều dài 35km và ở đó người ta còn tìm thấy vết tích các xóm làng xưa. Có thể dễ dàng nhận thấy ở Hạ Long, các bồn nước tròn trịa được bao bọc xung quanh bởi các núi đá vôi mà trước kia khi chưa bị chìm thì đó là các thung lũng đá vôi, một địa hình rất phổ biến ở các vùng đá vôi ở nước ta ngày nay. Điển hình cho các thung lũng đá vôi bị chìm này là lũng Xiếc ở khoảng giữa hang Đầu Gỗ hay hang Sửng Sốt. Thuyền chui qua hang núi tối như bưng, bỗng nhiên lại thấy ánh sáng, rồi tới một vũng nước tròn, xung quanh là núi.
Tại hang Luồn đối diện với bến tàu thị xã Hòn Gai 1.000m về phía Đông Nam có một quần đảo khép kín được thông ra vịnh bằng hang Luồn. Vì vậy từ ngoài vịnh khi qua hang Luồn ta sẽ gặp một hồ nước tròn trịa, diện tích khoảng 1 km2 bao bọc bởi các đảo đá vôi. Vì nước trong hồ bị tù hãm, chỉ mở ra ở hang Luồn nên nước ở đây không mặn mà chỉ là nước lợ.
Các hang động ở vịnh Hạ Long cũng là một bằng chứng nói lên vùng này trước kia là đất liền vì rằng hang động đá vôi chỉ được hình thành do tác động xâm thực của những con sông ngầm chảy trong các vùng núi đá vôi. Ngày nay các hang động ở ngoài vịnh Hạ Long, có những hang bị chìm ngập hoàn toàn, có hang bị chìm lưng chừng và tạo nên các hang luồn, có những hang lại nằm cao hẳn trên mặt nước biển như hang Đầu Gỗ phải trèo 90 bậc mới tới nơi hoặc hang Sửng Sốt cũng phải leo tới 100 bậc. Những hang kể trên nằm ở độ cao khác nhau, chứng tỏ vùng núi đá vôi vịnh Hạ Long đã trải qua nhiều đợt vận động thăng trầm phức tạp. Ngoài ra các đảo đá vôi ngoài vịnh Hạ Long còn chịu ảnh hưởng của biển tiến mà ngày nay dấu vết còn để lại là các ngấn nước ăn sâu vào vách núi ở độ cao từ 2 đến 5m. Với địa hình như vậy tạo cho Hạ Lọng một vẻ đẹp rất thơ mộng và quyến rũ lòng người - một di sản có một không hai của thế giới.
Hành hương về Yên Tử là đến với non xanh, nước biếc kỳ thú, hữu tình và chiêm bái chốn cửa Phật thanh cao
Cao vượt giữa vòng cung núi non điệp trùng vùng Đông Bắc, ngọn Yên Tử có đỉnh chìm trong mây trắng và trải mình dưới ngút ngàn mầu xanh cây lá. Thuở xa xưa, đây đã được coi là phúc địa và lưu truyền huyền thoại về một cõi bồng lai với bàn cờ, am thuốc tiên và pho tượng đạo sĩ An Kỳ Sinh hóa thạch. Nhưng dấu mốc để Yên Tử khắc ghi trong lịch sử và thành sự kiện văn hóa của đất nước là năm 1299, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông từng trực tiếp cầm binh đánh tan giặc xâm lược, sau khi sắp đặt lại triều chính, ông xuất giá đến miền danh thắng này hành đạo. Bằng học vấn uyên thâm và kinh nghiệm từng trải, Trần Nhân Tông lĩnh hội thành tựu của các vị cao tăng đi trước, tiếp nhận những yếu tố tích cực của Phật giáo là từ bi, bác ái, khoan dung, bình đẳng, hướng thiện và loại bỏ mặt yếm thế, yên phận, bí hiểm, siêu thoát, sáng lập nên phái Thiền Trúc Lâm mang bản sắc riêng Việt Nam. Xuất phát từ nhu cầu bức xúc của dân tộc lúc bấy giờ là nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu trong cộng đồng, nguyện chung ý chí bảo vệ quyền tự chủ và độc lập của Tổ quốc, dựa trên vị thế tôn giáo đang thịnh hành, Trần Nhân Tông xúc tiến quá trình bản địa hóa của đạo Phật từ nước ngoài truyền vào ở cả hai phương diện lý thuyết là thực tiễn. "Nhập thế" và "tu tại tâm" là hạt nhân cốt lõi của tư tưởng chính thống phái Thiền Trúc Lâm. Theo đó, đạo không tách biệt đời. Đạo phải thể nghiệm ngay trong cuộc sống. Mầm giác ngộ tức Phật tính vốn có sẵn trong mỗi người, chỉ cần biết kơi dậy và tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Lấy pháp hiệu là Điếu Ngự, Trần Nhân Tông cùng hai nhà sư Pháp Loa, Huyền Quang và các môn đệ dịch thuật, soạn thảo sách kinh, tập hợp và quy tụ tín đồ giảng giải, truyền bá giáo lý tại Yên Tử. Mảnh đất thiêng có tầm nhìn bao quát suốt dải biên cương rộng lớn trở thành trung tâm thống nhất Phật giáo Việt Nam, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực hoạt động xã hội không những đương thời mà trong nhiều giai đoạn kế tiếp.
Các chùa chủ yếu ở Yên Tử là Giải Oan, Hoa Yên, Vân Tiêu và bia Phật phân bố từ thấp lên cao tương ứng với trần gian, lưng trời, cung trời và ngoài vũ trụ. Bên cạnh là các chùa Lân, suối Tắm, Bí Thượng, Cầm Thực, Long Động, Thiền Định, Một Mái, Bảo Sái và chùa Đồng cùng hệ thống tháp. Các nghệ nhân tài hoa đã sáng tạo những công trình kiến trúc phối cảnh hài hòa, dung hợp với không gian thiên nhiên hùng vũ và thơ mộng. Trong rừng già hoang sơ, ầm ào thác đổ và vi vút gió reo. Buổi sớm, sương mờ bao phủ, mưa bụi nhẹ bay. Những đàn bướm lượn dập dìu và vang tiếng chim hót, vượn kêu. Hoàng hôn buông nắng nhạt, dát vàng những mái chùa và ngôi tháp cổ kính ẩn hiện thấp thoáng, xám lớp rêu phong chứa đựng bao sự tích kỳ lạ. Và đêm xuống, âm thanh chuông mõ cầu kinh truyền nối, lan tỏa... Qua 700 năm, dù phần lớn đã đổ nát, vẫn có thể hình dung diện mạo Yên Tử thời hưng thịnh của phái Thiền Trúc Lâm trong quá khứ. Đường uốn lượn quanh co, rợp bóng hàng xích tùng trồi rẽ gân guốc. Những viên gạch vuông đỏ sẫm, nổi hình văn hoa cúc. Ngói mũi hài mềm mại lợp quanh bờ tường và vòm cong dẫn vào Tháp Tổ sáu tầng chót vót xếp trên bệ đài sen 102 cánh. Chùa Hoa Yên có tấm bia trang trí họa tiết rồng uốn khúc trong khuôn lá đề và bức phù điêu diễn tả ba ni cô niệm Phật. Tượng Trần Nhân Tông khoác cà sa hở nửa ngực vai phải, ngồi thiền trong tư thế "liên hoa tọa". Bia Phật, khắc chữ Thiên Trúc Tự mặt phía Bắc và chữ Phật phía Nam, dưới có dòng Đông Tự Hồng Nha....
Yên Tử là cội nguồn của Phật giáo Việt Nam và là một điểm du lịch hấp dẫn. Số khách thăm ngày càng tăng và năm 1998 đạt tới 100 nghìn lượt người.
di tích lịch sử và danh thắng quốc gia Yên Tử được khoanh vùng bảo vệ 2025 ha rừng đặc dụng và 145 ha mặt hồ nằm trong địa bàn hai xã Phương Đông và Thượng Yên Cộng.
Hành hương về Yên Tử là đến với non xanh, nước biếc kỳ thú, hữu tình và chiêm bái chốn cửa Phật thanh cao
Sự tích núi Bài thơ
Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi, đỉnh cao nhất của núi có hình ngọn mác chĩa lên trời, đấy là cốt + 168 m, phía dưới có nhiều ngọn, nhiều mỏm chông chênh, vách đá dựng đứng, những lèn đá tai mèo nhọn hoắt làm cho núi có một vẻ cổ kính, huyền bí. Từ nhiều góc độ người ta nhìn thấy núi có lúc dáng như hổ phục, lúc có dáng như sư tử vờn mồi, lúc có dáng như con rồng sắp cất cánh. Núi Bài Thơ thuở xưa có tên núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng Sơn. Tương truyền rằng, ngày xưa lính thú gác trên núi hễ có giặc giã đến thì đốt lửa báo về kinh thành. Từ đó xuất hiện tên núi Truyền Đăng.
Năm 1468, vào dịp mùa xuân, năm Quang Thuận thứ 9, đời vua Lê Thánh Tông - cháu nội của Lê Lợi - đưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc, có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long, để uống rượu ngâm thơ.
Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, nhà thơ - nhà vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá tạm dịch như sau:
Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào
Núi non, la liệt rải rác như quân cờ, vách đá liền trời
Có tráng trí, nhưng lúc mới dựng nghiệp vẫn theo người, như quẻ Hàm hào cửu tam (đã định)
Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy như thần gió
Phía bắc, bọn giặc giã như hùm beo đã dẹp yên
Vùng biển phía đông, khói chiến tranh đã tắt
Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững
Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sữa việc văn.
Bài thơ này được khắc trên một vách đá khá phẳng, cách mặt đất chừng 2,5 m, gồm 56 chữ Hán, khắc liền một mạch, không phân câu như hiện nay ta chép lại. Trong 56 chữ trên có 21 chữ đã mờ hẳn, không thể đọc nổi, những chữ còn lại rất mờ. Trước phần thơ có phần lạc khoản (đề tựa) gồm 49 chữ, cũng bị phân hóa gần như hoàn toàn. May mắn, bài thơ trên có chép trong thư tịch cổ, nên đó chính là chỗ dựa của các nhà nghiên cứu.
261 năm sau, vào năm 1729 chúa An đô vương Trịnh Cương, một nhà thơ có tiếng thời Lê - Trịnh, cũng đem quân đi tuần qua đây. Ông cho đóng quân đồn trú dưới chân núi Truyền Đăng. Đọc thấy bài thơ của vua Lê, chúa Trịnh bèn họa lại bằng một bài thốt ngôn bát cú, lấy theo vận "yên" của bài trước, dùng lại 4 chữ "thiên" "quyền" "yêu" niên" trong bài của vua Lê.
Bản dịch thơ như sau:
Biển rộng mênh mang, nước dâng đầy
Núi chìm xuống nước, nước tràn mây
Bàn tay tạo hóa sao khéo dựng
Cảnh đẹp thần tiên một chốn này.
Mùi tanh giặc thác còn đâu đó
Cỏ hoa sương khói vẫn còn đây
Ba quân tướng sĩ đều vui vẽ
Bữa tiệc biển khơi chén rượu đầy.
(Bản dịch của Hào Minh)
Bài thơ được khắc theo lối chữ hành, trên một vách đá nghiêng xuống đất, nếu tránh được hủy hoại của nước mưa, đến nay còn rõ nguyên, rất dễ đọc. Đến đầu thế kỷ này nhiều tao nhân, mặc khách đi du ngoạn vùng Hạ Long, gặp bài thơ này lại cho khắc 7 bài thơ nữa, có bài chữ Hán, có bài chữ Quốc Ngữ trên những vách đá lân cận. Tổng số bây giờ có 9 bài thơ còn lưu truyền trên vách đá. Khu vực này trước đây gọi là phố Lò Vôi (vì có người nung vôi bán). May mà chưa ai phá những bài thơ để nung vôi!
Do có nhiều thơ trên vách núi, có lẽ đầu thế kỷ này dân chúng mới đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ. Ngày nay, phố Lò Vôi (cũ) được mang tên mới là phố Bài Thơ.
Ca dao đầu thế kỷ này có câu:
Hồng Gai có núi Bài Thơ
Có hang Đầu Gỗ, có chùa Long Tiên
Chùa Long Tiên nằm ở phía đông núi Bài Thơ, một quay ra hướng đông, giáp với phố Bến Tàu cũ nay đổi thành phố Long Tiên. Chùa được khởi công xây cất vào năm1939 và hoàn thành năm 1942. Tuy được xây dựng vào giữa thế kỷ này, nhưng kiểu cách, kiến trúc đều theo phong cách kiến trúc đầu Nguyễn. Ngoài có tam quan, qua một sân rộng là bái đường, trên nóc có tượng ghép gốm rồng chầu mặt nguyệt, hai bên là hai cung tả hữu. Ở chính điện trên tam quan có ba chữ nổi Long Thọ Tiên, nhân dân rút gọn, gọi nôm na là chùa Long Tiên. Gọi là chùa nhưng lại thờ cả thánh. Ở chính cung thờ Đức Phật Thích Ca Mâu ni, Phật Bà Quan Âm và các chư Phật. Hữu cung thờ Đức Thánh Trần - Trần Hưng Đạo, Tả cung thờ Vân Hương Thánh Mẫu.
Trong chùa Long Tiên có rất nhiều câu đối, đại tự được điêu khắc rất tinh vi, thể hiện trình độ điêu khắc khá cao. Trong các đồ thờ của chùa có Bộ Cửu Long nổi tiếng miêu tả chín con rồng chầu Phật - là một công trình khắc gỗ công phu.
Hội chùa Long Tiên kéo dài hết tháng giêng, hai âm lịch hàng năm thu hút rất nhiều khách thập phương. Tín đồ, phật tử Hải Phòng khi đi lễ hội ở đền Cửa Ông, thế nào cũng rẽ vào chùa Long Tiên "xin Đức Thánh trần" một quả cầu tài, cầu lộc.
Phiá tây núi Bài Thơ còn có đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn - một vị danh tướng đời Trần. Tương truyền ông được đắc cử canh giữ biên ải vùng Đông Bắc, trấn ở vùng Hồng Gai, đã lập nhiều công to trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Núi Bài Thơ không chỉ là di tích lịch sử-văn hoá-tôn giáo, mà còn gắn liền với những sự kiện cách mạng những thập kỷ qua. Ngày nay, đứng từ phiá tây thành phố Hạ Long nhìn ra hướng đông, người ta thấy một mỏm đá nhô ra ở tầm cao khoảng 50 m có hình thù như một con sư tử. Dân gian gọi đó là mỏm Mỏ Quạ. Vào đêm 30-4, rạng sáng 1-5-1930, người đảng viên cộng sản trẻ tuổi Đào Văn Tuất (người gốc Hải Phòng) được đặc khu ủy Hồng Gai giao phó đã treo lá cờ búa liềm lên mỏm Mỏ Quạ để kỷ niệm ngày Lao Động quốc tế. Chuyện kể lại rằng anh Đào Văn Tuất, khi ấy là công nhân mỏ Hồng Gai, đã khéo léo giấu lá cờ trong bụng, cờ có bọc giấy bản, anh trèo lên mỏm đá nhô ra đường, nơi dễ trông nhất. Anh rút lui an toàn sau khi làm nhiệm vụ. Sáng hôm sau gió bay, giấy bản tung ra, một lá cờ đỏ búa liềm phất phới bay như vẫy chào thợ thuyền vùng lên đấu tranh chống áp bức. Bà con khu mỏ xúm xít ra xem, ngưỡng mộ lá cờ. Còn bọn cảnh sát thì tức lồng lộn, không làm sao hạ được cờ xuống, chúng sợ có mìn nổ chậm cài ở gần cờ nên không dám xông vào ngay. Thợ mỏ Hồng Gai được một phen hả hê.
Bây giờ phía dưới mỏm Mỏ Quạ có biển di tích đề rõ sự kiện trên. Thời kháng chiến chống Mỹ, ở phiá trên mỏm núi này là nơi đặt còi báo động, một thời gióng giả báo hiệu chiến đấu cho người dân vùng mỏ. Đi lên nữa là di tích của trạm ra-đa thời chống Mỹ. Phiá dưới núi Bài Thơ, có nhiều hang động khá lớn. Rộng rãi nhất là hang số 6. Nơi đây thời chiến tranh từng là nơi sơ tán của nhiều cơ quan, xí nghiệp, chủ yếu là nơi tập kết củ lực lượng tự vệ Hồng Gai. Sau mỗi đợt bọn Mỹ đánh phá, người ta đưa người bị thương về đây cấp cứu, người khỏe cũng trú ở đây để hôm sau lại bám trụ sản xuất. Núi Bài Thơ trở thành một cứ điểm quan trọng thời đánh Mỹ. Máy bay Mỹ mấy lần định nhào xuống bỏ bom vào núi, nhưng do địa thế quá hiểm trở, núi Bài Thơ như ngọn thác nhô lên giữa vùng trời Đông Bắc vẫn "Đứng đó hiên ngang", không hề suy suyển.
Núi Bài Thơ gắn bó với lịch sử, với đời sống nhân dân vùng Đông Bắc, trở thành một biểu tượng hào hùng của đất mỏ Quảng Ninh giàu đẹp và kiên cường. Năm 1992, Bộ Văn hóa Thông tin nước ta ra quyết định xếp hạng núi Bài Thơ là di tích lịch sử- văn hóa của đất nước.
Khu du lịch Hoàng gia - Hạ Long
"Núi nhô trên biển như chuỗi ngọc
Cờ xí điệp trùng đứng chênh vênh
Cá muối như bùn, dân càng lợi
Lúa màu ít ỏi, thuế giảm khinh".
Đó là khúc vịnh của Vua Lê Thánh Tông khi nói về phong thổ xứ An Bang. An Bang xưa tức địa phận Quảng Ninh bây giờ là vùng đất có nhiều núi và biển, rất ít ruộng đất, dân tình chủ yếu sống bằng nghề chài lưới và thương mại. Có lẽ vì thế dân mình ít "Famer" hơn khi tiếp cận cái mới mẻ, dễ thích ứng và thân thiện.
Thời gian đắp đổi, Quảng Ninh hôm nay có Vịnh Hạ Long hai lần được thế giới tôn vinh là di sản của nhân loại. Bên cạnh đó, bàn tay con người cũng tô điểm thêm những nét vẽ làm cho bức tranh Hạ Long ngày thêm hoàn mỹ. Nằm ngay bên bờ Vịnh, một khuôn viên có diện tích trên 10 hecta, trải dài 1.500 mét theo bờ biển với nhiều hạng mục công trình, đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho du khách. Đây là một sự đầu tư đúng đắn, giúp cho du khách đến với Hạ Long không chỉ được thưởng thức những gì do thiên nhiên ban tặng, mà còn được ở trong một không gian hiện đại, tiện nghi, nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét hài hoà mang tính truyền thống do bàn tay con người tạo dựng.
Thăm nhà triển lãm xương rồng, ở đây quy tụ hơn 108 loài xương rồng có nguồn gốc từ nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nam Mỹ... trong diện tích 350 mét vuông, du khách được tìm hiểu các loài: xương rồng sừng hươu, vợt gai.. đặc biệt có loài "trứng rồng" rất quý và hiếm, loài cây này có tuổi thọ chừng 14 năm.
Do biết kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phát huy những nét đặc sắc trong bản sắc văn hoá dân tộc nên khu du lịch Hoàng Gia - Hạ Long đã trở thành điểm đến trong mỗi lịch trình của du khách. Hoa phong lan là một loài hoa được rất nhiều các nghệ nhân chơi hoa quan tâm đến bởi nó không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa sâu xa khác, là một trong 4 loài cây thể hiện ý chí người quân tử "tùng, trúc, mai, lan". Đến Hoàng Gia, du khách được tìm hiểu hơn 500 loài lan quý với nhiều màu sắc khác nhau như: lam tím, hoàng thảo, cẩm tú... Việt Nam với 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều mang một nét riêng trong phong tục cũng như trong nếp ở, nếp ăn. Tại đây, mô hình nhà sàn và các trang phục cùng với những công cụ lao động của đồng bào các dân tộc vùng cao như: Mông, Tày, Dao, Mường... được dựng lên để các du khách không có điều kiện đi xa được tìm hiểu thêm về sự phong phú và nét độc đáo của chúng. Ngay tại công viên Hoàng Gia, bất cứ lúc nào, du khách cũng được xem gà chọi. Thường chỉ trong những dịp hội làng, người ta mới tổ chức trò chơi dân gian này, đây là nét văn hoá mang đậm màu sắc cổ truyền của Việt Nam. Có thể nói, đó là sự sáng tạo của ban quản lý ở đây, họ đã biết phát huy những tinh hoa cổ truyền của dân tộc VIệt, không cầu kỳ mà vẫn hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước.
Nhìn một cách tổng quát, khu Hoàng Gia được bài trí rất hợp lý. Người kỹ sư kiến trúc đã biết kết hợp hài hoà giữa các lớp lang, chính phụ, to nhỏ với nhau để tạo nên một khuôn viên hiện đại mà vẫn đậm chất á Đông. Tại Bảo tàng cổ vật trưng bày những bộ sưu tập, di chỉ tượng trưng cho nền văn hoá dân tộc của một số quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... Nhưng đặc biệt và chủ yếu là bộ sưu tập những cổ vật của văn hoá Việt Nam. Đất nước ta có 54 dân tộc, mỗi dân tộc dường như đều có một bề dày truyền thống văn hoá và phong tục, tập quán riêng. Kho tàng văn hoá truyền thống của Việt Nam chính là sự thể hiện tính đa dạng, muôn hình, muôn vẻ của các dân tộc cùng sống trên dải đất hình tia chớp. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu cả tiến trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc qua các hiện vật như: Tượng thiếu nữ Chàm trong điệu múa Apsara, bình gốm các triều đại Lý, Trần, Lê... Cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã viết lên những trang sử hào hùng trong chống giặc ngoại xâm và trong việc lập làng, lập ấp. Cũng chính những bàn tay đánh giặc và cày cuốc đó lại khéo léo tạo nên những sản phẩm giàu tính thẩm mỹ và cũng rất đặc trưng của dân tộc. Điểm khác biệt cơ bản và cũng là đặc trưng rất riêng của Bảo tàng cổ vật Hoàng gia là nó không giống bất kỳ một bảo tàng nào. ở đây, có những mảng màu của Bảo tàng lịch sử, có lúc lại mang màu sắc của một Viện Bảo tàng cổ vật Cham pa. Bên cạnh những khu mang tính chất tham quan nghiên cứu, công viên Hoàng gia còn có những công trình được xây dựng bằng trang thiết bị hiện đại, thử thách lòng can đảm của du khách trong một thế giới huyền bí: Nhà ma. Nghệ thuật múa rối thì có ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng múa rối nước có lẽ chỉ riêng có ở Việt Nam. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì nghệ thuật múa rối nước xuất hiện từ thời Lý . Chứng tích về sự ra đời của rối nước còn lưu lại ở nhiều nơi, ví dụ như nhà Thuỷ Đình (hồ Long Trì - Chùa Thầy), văn bia còn ghi lại:
"giữa dòng nước lung linh, một chú rùa vàng nổi lên đội ba hòn núi..." và ngay tại Hoàng Gia, bạn cũng được thưởng thức loại hình nghệ thuật này với các vở như: Chú Tễu câu cá, múa tứ linh... Nếu đến Hạ Long, bạn nhớ ghé vào một quầy lưu niệm để mang về một kỷ vật cho chuyến đi. Quầy hàng lưu niệm rất phong phú những mặt hàng, nào là công cụ lao động của cư dân vùng biển, hay bức tranh về cảnh sắc Hạ Long được chạm khắc tinh xảo trên chất liệu bằng gỗ hoặc sơn mài.
Trong tiếng đàn trầm lặng của bản hợp ca tam thập lục mời bạn ghé vô nhà hàng của Hoàng gia. Biển bao năm rồi vẫn đẹp, không chỉ thế nó còn cung cấp cho ta nhiều loài hải sản như: Cá song, tôm hùm, cua, bể... để cho các bạn dù có là thực khách ở phương nào thì trong một không gian hoàn toàn Việt Nam đều cảm thấy ấm cúng và thưởng thức hương vị biển. Nhằm ngày càng hoàn thiện cho tour du lịch, Công ty quốc tế Hoàng gia đang đầu tư xây dựng khu biệt thự đạt tiêu chuẩn 5 sao tại khe Đôi - Bãi Cháy. Hiện tại có 14 phòng với trang thiết bị hiện đại đã hoàn thành đưa vào phục vụ du khách. Và trong một tương lai không xa nữa, một khách sạn 200 phòng đạt tiêu chuẩn cao sẽ hoàn thiện trên diện tích 20.000 mét vuông.
Nhà mỹ thuật trưng bày hơn 200 bức tranh bằng nhiều chất liệu như: sơn dầu, sơn mài... thể hiện nhiều đề tài của các danh hoạ: Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Lê Văn Hải... Trong đó nổi bật tập trung vào đề tài Vịnh Hạ Long. Qua đây, du khách sẽ hiểu hơn về giá trị khu danh thắng và nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ, giữ gìn tôn tạo và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn của toàn tỉnh.
Hạ Long hôm nay nhiều nét mới đổi thay, thật hạnh ngộ cho những ai đến với nơi rồng đậu. Bên cạnh một Vịnh biển đã hai lần được thế giới công nhận là di sản, bằng sự hiện đại của máy móc và kỹ thuật tân kỳ, các nhà lãnh đạo của Hoàng gia đã đưa loại hình mô tô nước và xuồng cao tốc vào phục vụ du khách. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một chuyến thăm vịnh Hạ Long đã nói
"Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, biển của ta rất tươi đẹp, ta phải giữ gìn lấy nó". Trước biển khơi hào phóng, ai chẳng muốn có một lần được thoả chí, bạn dù ở nơi đâu, khi đến thăm Hoàng gia cũng chẳng thể bỏ lỡ dịp được phi chiếc mô tô trên muôn trùng sóng nước Hạ Long.
Một nhà văn đã viết: Hạ Long không chỉ là bản phác thảo của thế giới, một bản phác thảo đã hoàn thành. ở đây còn là cái công trường, cái xưởng điêu khắc và hội họa vĩ đại, nơi tạo hoá còn tiếp tục các cuộc thử nghiệm bất tận của mình... và "trước biển Hạ Long tất cả các ngôn ngữ đều bất lực". Biển muôn đời vẫn bao dung và hào phóng, hôm nay biển lại mở lòng đón du khách muôn nơi. Sau những giờ làm việc căng thẳng, trước biển hồn ta được sảng khoái, tĩnh tại trong thế giới đầy biến động.
Hạ Long ngày và đêm, một chút nắng đầu hè, một thoáng hoàng hôn trên biển đảo Tuần Châu, nơi danh nhân văn hoá thế giới Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm những người dân làng chài đánh cá.
Xin nhắc lại lời thơ của người xưa thay cho lời kết:
"Núi nhô trên biển như chuỗi ngọc
Cờ xí điệp trùng đứng chênh vênh".
Bức tranh tình ấy đang được thiên nhiên và bàn tay con người ngày ngày tô điểm thêm tròn vẹn.
ĐẢO TUẦN CHÂU
Đảo Tuần Châu cách trung tâm Hạ Long khoảng 15 km với khung cảnh đẹp và thơ mộng. Toàn bộ hòn đảo này đã được đầu tư thành một trung tâm du lịch, nghỉ ngơi và giải trí.
Đường đi từ thành phố Hạ Long ra đảo Tuần Châu rất đẹp, một bên là biển đầy tiếng sóng vỗ, một bên là đồi núi nhấp nhô và những ngôi nhà mọc lưa thưa ven đường. Trước khi đến đảo, xe sẽ đưa bạn băng qua vùng biển trên con đường mới được xây dựng nối bờ và đảo.
Đảo Tuần Châu là nơi duy nhất ở miền Bắc hiện có khu biểu diễn cá heo. Những chú cá heo thông minh cùng với sự tài khéo của huấn luyện viên sẽ cho bạn những cảm giác vừa ngỡ ngàng, vừa sửng sốt và đầy thích thú với cả người lớn và trẻ nhỏ. Trong lúc chờ xem biểu diễn cá heo, bạn sẽ được nghe ca nhạc dân tộc do đội văn nghệ đảo Tuần Châu biểu diễn. Các loại nhạc cụ dân tộc, các bài hát dân ca Bắc bộ, và có hôm còn có tiết mục xiếc ảo thuật. Bạn sẽ được xem 1 giờ biểu diễn cá heo, sau đó có thể thưởng thức các món ăn ở nhà hàng Đồng quê Việt Nam.
Nhà hàng Đồng quê Việt Nam có các món ăn ngon của biển, của đảo Tuần Châu và đảo Quan Lạn với các đặc sản sá sùng, tu hài và đỉa biển. Các món ăn dân tộc truyền thống có giá từ 50.000 - 100.000 đồng/suất. Tại nhà hàng Đồng quê Việt Nam, du khách có thể đi thăm suối, hoa và cây của biển đảo.
ở đảo, bạn có thể đăng ký trò chơi dưới nước, chơi bóng trên biển và đi xuồng máy mặc áo dù bay trên không trung. Xuồng máy đưa người bạn bay lên độ cao 7 - 15m. Giá vé 60.000 đồng/giờ. Trên đảo cũng có bãi biển rất đẹp để bạn có thể đắm mình vào làn nước trong xanh trong những ngày hè nắng nóng.
Tham gia tour này, bạn cũng được thăm vịnh Hạ Long với hang Thiên Cung, Đầu Gỗ; thăm các hòn đảo xinh đẹp như Đỉnh Hương, hòn Chó Đá, hòn Gà Chọi.
Cầu Bãi Cháy
Vị trí : Bắc qua hai đỉnh núi qua eo Cửa Lục - Hạ Long - Quảng Ninh
Dự kiến hoàn thành sau 40 tháng thi công
Ngày khởi công : 19/05/2003
Giá trị : 950 tỷ đồng
Kiểu : cầu dây văng (Cable-Stayed Bridge)
Dài : 903 mét
- Có thể cho tàu 4 vạn tấn (40.000 tấn) đi qua
- Có hệ thống thang máy và các điểm nghỉ chân du lịch trên các mố cầu, hệ thống đèn chiếu sáng và trang trí lộng lẫy.
- Cầu Bãi Cháy là cầu có độ dài các nhịp cầu phá kỷ lục thế giới
435 mét /nhịp (cầu Sunshine Skyway của Mỹ 366 mét , Sơn Đông Trung quốc 230 mét, Tokachi Great của Nhật 350)
Khởi công xây dựng cầu Bãi Cháy: Toàn bộ dự án bao gồm xây dựng mới khoảng 5 km đường dẫn với 4 làn xe, rộng 25m, cấp thiết kế 80. Trên đường dẫn sẽ có 8 cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép Dự ứng lực vĩnh cửu với tổng chiều dài 1.200m và một cầu chính dài 903m. Điểm đầu của dự án tại ga Cái Lân và kết thúc tại Ngã ba Kênh Liêm- thành phố Hạ Long.
Dự án được chia làm 3 gói thầu xây lắp. Gói thầu BC1 xây dựng cầu và đường dẫn phía Bãi Cháy, gói thầu BC3 xây dựng cầu và đường dẫn phía Hòn Gai, gói thầu BC2 xây dựng cầu chính bao gồm cầu Bãi Cháy và cầu dẫn số 5. Cầu Bãi Cháy có chiều dài 903m, chiều rộng 25,3m, tĩnh không thông thuyền H=50m, B=300m. Kết cấu phần dưới: Mố trụ, tháp cầp bằng bê tông cốt thép; các trụ P2, P3, P4 được đặt trên móng giếng chìm hơi ép, các mố trụ còn lại đặt trên nền móng cọc Shin-sho có đường kính 3m. Cầu dẫn số 5 có chiều dài 99m, chiều rộng toàn cầu từ 25,7 đến 30,3m. Các mố trụ bê tông cốt thép đặt trên nền cọc Shin-sho có đường kính 2m. Tĩnh không thông thuyền của cầu được thiết kế dành cho tầu ra vào cảng Cái Lân với công suất tối đa 40.000 tấn. Cả cầu chính và cầu dẫn đều là loại cầu dây văng bê tông cốt thép Dự ứng lực 1 mặt phẳng dây, loại cầu này lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, đạt kỷ lục thế giới về chiều dài nhịp chính đối với loại kết cấu này.
Kinh phí đầu tư cho cầu Bãi Cháy khoảng 1.046 tỷ VNĐ, thời gian thi công 40 tháng. Dự tính, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 9/2006. Để đảm bảo cho tiến độ thi công công trình, rút kinh nghiệm từ các công trình trước, tỉnh Quảng Ninh đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, do vậy kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành, công trình sẽ không còn vướng mắc nào về mặt bằng